Đánh giá Ngô_Xương_Văn

Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lê Văn Hưu viết:

"Nam Tấn Vương nhà Ngô trước bị gia thần là Tam Kha giam giữ, sau bị anh là Xương Ngập áp chế, một sớm đắc chí, không biết cẩn thận giữ mình, cho nên hưởng nước ngắn ngủi, không có chính tích gì, đáng tiếc thay! Nhưng, cứ xem việc tha tội cho Bình Vương, há không phải là nhân ư? Chịu nhịn cho Xương Ngập kiêu xấc, há không phải là cung ư? Đã nhân lại cung, cũng có thể thấy vương là người ra sao rồi."

Ngô Sĩ Liên có lời bàn trong Đại Việt Sử ký Toàn thư:

Nam Tấn nhà Ngô dùng chính nghĩa trừ kẻ tàn bạo, lấy lại được cơ nghiệp cũ. Công việc ấy cũng đã yên ủi vong linh tiên tổ mình, làm nguôi lòng bực tức của quỷ thần, của nhân dân. Thế mà, chỉ vì hiền lành nhù nhờ, đã không trừng trị Tam Kha về tội cướp nước, lại còn gây ra chiến tranh bẩn thỉu ở Thái Bình, cuối cùng tự rước lấy tai nạn, thật đáng tiếc!

Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án cũng có lời bàn về Ngô Xương Văn như sau:

Hậu Ngô Vương ở chỗ thâm cung, nên tặc thần không ngờ đến, ở giữa đường quay về, mà chư tướng không dám trái ý, truất phục được kẻ gian tà dễ như thay bàn cờ, 15 năm giữ cơ nghiệp, đáng gọi là lương chúa, đẻ con như thế Ngô Quyền cũng như là không chết. Đến như Thiên Sách chuyên quyền mà mình không được dự chính quyền, Tam Kha cướp ngôi vua mà không nỡ gia hình, luận giả cho Xương Văn là cô tức, nhưng xét bản tâm của Xương Văn thì chỉ biết cung kính anh, để kính nhường dòng con trưởng, không giết cậu, để mẹ được yên lòng, cũng là người có tư chất tốt, không thế, thì nếu không giết anh là Xương Ngập, cũng không để Tam Kha được sống. Duy chỉ có lỗi là để lộ cơ mưu, đến nỗi bị mũi tên lạc, chí khí hăng hái của thiếu niên chưa bỏ đi được, là đáng tiếc đó thôi.

Khi đề cập tới Xương Văn có tư chất tốt, không thế, thì nếu không giết anh là Xương Ngập, cũng không để Tam Kha được sống, Ngô Thì Sĩ có lẽ muốn so sánh chuyện nhà Ngô với những cảnh "huynh đệ tương tàn", thói ích kỷ, vô nhân của một số quân vương trong lịch sử Trung Quốc, như Lý Thế Dân giết anh em cùng mẹ và 10 cháu ruột, bức cha thoái vị; Tống Cao Tông Triệu Cấu không muốn xin nhà Kim thả cha (Huy Tông) và anh (Khâm Tông) đang làm tù binh trong tay giặc được về mà chỉ xin tha cho mẹ, rồi tìm cách vu tội giết Nhạc Phi vì danh tướng này muốn đánh vào kinh đô nhà Kim để rước 2 vua cũ về nam; hay Minh Anh Tông được em là Cảnh đế cứu thoát từ tay người Mông sau 7 năm làm tù binh đã tìm cách sát hại em để đoạt lại ngôi.

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên có phần chưa thỏa đáng. Việc gọi anh về cùng làm vua và tha cho Dương Tam Kha là lòng nhân nghĩa, khiêm nhường của Xương Văn, không thể nói là ông nhu nhược. Dẹp được giặc Chu Thái, có thể nói là ông đủ cứng cỏi để cầm quyền. So với Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu và Ngô Thì Sĩ có lời bàn hợp lý hơn.